Bác sĩ Pieter Cohen, một nhà nghiên cứu Harvard đã dám chỉ ra điều này trong một bài báo khoa học, và lên tiếng với truyền thông để cảnh báo công chúng. Nhưng ngay lập tức, ông bị Hi-Tech kiện ra tòa với tội vu khống
Black Widow và Yellow Scorpion là hai trong số những nhãn hiệu thực phẩm chức năng của Hi-Tech, một công ty Mỹ có doanh thu cả trăm triệu USD mỗi năm trong lĩnh vực béo bở này. Đúng như cái tên quái gở của chúng, những viên nén “Góa phụ đen” và “Bọ cạp vàng” chứa trong mình một phân tử hóa học bất hợp pháp, tiềm tàng sự nguy hại đến sức khỏe người sử dụng.
Bác sĩ Pieter Cohen, một nhà nghiên cứu Harvard đã dám chỉ ra điều này trong một bài báo khoa học, và lên tiếng với truyền thông để cảnh báo công chúng. Nhưng ngay lập tức, ông bị Hi-Tech kiện ra tòa với tội vu khống.
Đại diện của nhà sản xuất thực phẩm chức năng này công khai nói rằng, anh ta muốn “bịt miệng” nhà khoa học Harvard. Và đó cũng là những điều mà nhiều đại diện khác trong ngành sản xuất thực phẩm chức năng muốn làm, với nhiều nhà khoa học khác cũng đang có những nghiên cứu chống lại họ.
Tháng 11 năm ngoái, tòa án Liên bang Massachusetts đã xử trắng án cho bác sĩ Cohen. Những nghiên cứu của ông về thực phẩm chức năng của Hi-Tech là hoàn toàn đúng sự thật. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cũng đã yêu cầu Hi-Tech thu hồi một số sản phẩm của họ.
Tuy nhiên, Jared Wheat, chủ sở hữu đồng thời là CEO của Hi-Tech đã từ chối chấp hành. Cũng là người đã trực tiếp đứng ra kiện bác sĩ Cohen, Wheat không cảm thấy mình đã thất bại. Anh ta ngang ngược nói rằng cuộc chiến pháp lý kéo dài và tốn kém của Cohen sẽ là một bài học, cho các nhà khoa học khác nhìn vào mà tránh xa những nghiên cứu về thực phẩm chức năng.
“Hãy suy nghĩ lại mà làm những nghiên cứu tốt hơn, các ông biết đấy, có thể sẽ bị kiện nếu cứ làm những điều như thế này”, Wheat nói.
Vụ kiện đình đám trong ngành thực phẩm chức năng này được ví như cuộc chiến giữa thiên thần và ác quỷ. Bác sĩ Cohen là một nhà nghiên cứu tự nguyện, làm việc vì trách nhiệm với kinh phí tài trợ gần như bằng không. Còn Wheat là một kẻ ma mãnh, người mà đã ấp ủ về Hi-Tech từ thời anh ta còn ngồi tù và bán thuốc lắc.
Toàn bộ câu chuyện sẽ mở cánh cửa sổ cho phép bạn nhìn ra một miền đất đầy hoang dã, nơi mà những viên thực phẩm chức năng được sản xuất bên ngoài vòng pháp luật. Ở đó, những công ty chẳng cần phải chứng minh công thức hóa học bên trong những viên nén của họ đủ an toàn. Cũng không cần biết đến chuyện sản phẩm có hiệu quả hay không, bởi bản chất thực phẩm chức năng vẫn là thực phẩm chứ không phải thuốc.
Các nhà sản xuất không cần thử nghiệm lâm sàng, và cũng không cần tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý liên bang. Chẳng thế mà thực phẩm chức năng trở thành một ngành công nghiệp hái ra tiền, trong khi người tiêu dùng vẫn bị che mắt khỏi thành phần trong những viên nén họ đang uống.
Mối nguy hiểm tiểm ẩn trong những viên thực phẩm chức năng
Một ngày đầu năm 2015, bác sĩ Cohen đang duyệt mail tin tức trong hộp thư đến. Ông bất chợt nhìn thấy thông báo về một vụ kiện trong ngành công nghiệp thực phẩm chức năng. Không thể tin vào mắt mình, nhưng đó là sự thật: Cohen và 3 đồng tác giả một bài báo khoa học bị Hi-Tech kiện ra tòa án liên bang Gruzia. Vụ kiện có liên quan đến một nghiên cứu họ vừa công bố được vài tuần trên tạp chí Drug Testing and Analysis .
Trong bài báo khoa học của mình, bác sĩ Cohen khuyến cáo FDA phải để ý đến các loại thực phẩm chức năng chứa một hợp chất gọi là BMPEA. Có tính chất hóa học giống như Amphetamine (một chất kích thích làm tăng tỉnh táo và tập trung, đồng thời làm giảm mệt mỏi và thèm ăn), BMPEA chưa bao giờ được chứng minh an toàn và hiệu quả với con người.
Hơn thế nữa, có rất nhiều lý do để nghi ngờ sự nguy hiểm đến từ hợp chất này. Trong các thử nghiệm trên động vật, BMPEA được chứng minh sẽ làm tăng nhịp tim và huyết áp. Hợp chất này có mặt trong một ca đột quỵ ở Thụy Điển và các cơ quan y tế Canada gọi nó là “một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng”.
Mặc dù vậy, các nhà sản xuất thực phẩm chức năng thường gọi BMPEA là một sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, từ một loại cây bụi mọc ở vùng Tây Nam nước Mỹ có tên gọi Acacia rigidula. Nhưng trên thực tế, khoa học chưa hề công nhận nguồn gốc này của nó, dù chỉ một lần.
Việc các nhà sản xuất thực phẩm chức năng tự ý đưa BMPEA vào sản phẩm của họ là một điều bất hợp pháp. Như đã nói, BMPEA chưa từng được chứng minh an toàn cho sử dụng trên người.
Một số loại thực phẩm chức năng chứa BMPEA và liều lượng trong mỗi viên (mg)
Không khó để giải thích tại sao các nhà sản xuất thực phẩm chức năng lại muốn đưa BMPEA vào trong sản phẩm của mình. Trên lý thuyết, hợp chất này có thể tạo ra tác dụng giảm cân tương tự như amphetamin. Nó làm giảm sự thèm ăn và tăng tốc quá trình trao đổi chất. BMPEA cũng có thể hỗ trợ tăng hiệu suất thể thao. Tất cả khiến nó mạnh hơn bất kể một thành phần chiết xuất từ thực vật tự nhiên nào.
Trong năm 2014, các nhà khoa học của FDA đã báo cáo sự xuất hiện của BMPEA trong một số ít thực phẩm chức năng được quảng cáo chứa Acacia rigidula. Nhưng lục tung những thành phần trong loại cây này, họ vẫn không thể tìm thấy BMPEA nằm ở đâu.
Giữa bối cảnh ấy, bác sĩ Cohen - người được mệnh danh là vị thám tử trong giới khoa học nghiên cứu thực phẩm chức năng – muốn phát triển hướng nghiên cứu có sẵn của FDA, đồng thời công bố các nhãn hiệu thực phẩm chức năng cụ thể đang chứa trong đó hợp chất BMPEA.
Nhóm nghiên cứu của ông đã chọn ra 21 loại thực phẩm chức năng ghi nhãn Acacia rigidula để phân tích các thành phần hóa học bên trong chúng. Kết quả là BMPEA xuất hiện trong 10/21 mẫu, trong đó có tới 6 nhãn hàng của Hi-Tech.
Chẳng hạn, thực phẩm chức năng nhãn hiệu Fastin-XR của Hi-Tech chứa 82 mg BMPEA, tính trên liều lượng tối đa hàng ngày được khuyến cáo trên nhãn của nó. Hai loại thực phẩm chức năng Yellow Scorpion và Black Widow chứa lần lượt 69 mg và 56 mg ở liều tối đa.
Điều này gợi ý rằng các viên thực phẩm chức năng đang không sử dụng chiết xuất thực vật như nó quảng cáo. BMPEA có vẻ như đã được tổng hợp và nhồi nhét vào các sản phẩm này.
Phát hiện của Cohen ngay lập tức tạo ra làn sóng. Ông xuất hiện trên chương trình Good Morning America, trang bìa tờ New Yorks Times. Hai thượng nghị sĩ đã nghiêm khắc đôn đốc FDA kiểm tra các sản phẩm được đề cập.
Trong vòng 2 tuần, FDA gửi văn bản cảnh báo tới Hi-Tech và 4 công ty khác, ra lệnh thu hồi các sản phẩm chứa BMPEA.
Các hoạt động này dĩ nhiên ảnh hưởng đến Hi-Tech. Có một làn sóng lo sợ lan ra giữa các khách hàng đang sử dụng sản phẩm của họ. Các nhà phân phối và bán lẻ gửi trả lại sản phẩm của Hi-Tech. Một số công ty thực phẩm chức năng khác đang hợp tác với Hi-Tech cũng đơn phương rút hợp đồng. Bởi vậy, CEO của họ đã kiện Cohen, đòi một khoản bồi thường 14 triệu USD cho những thiệt hại của Hi-Tech.
Tin tức về vụ kiện đã nhanh chóng lan rộng trong ngành công nghiệp thực phẩm chức năng. Wheat nói rằng anh ta đã nhận hàng trăm cuộc gọi và email từ những người mong muốn họ có thể chùng nhau “bịt miệng” Cohen lại.
Một người giám sát thiên thần trở thành mục tiêu...
Người đàn ông mà cả ngành công nghiệp thực phẩm chức năng muốn “bịt miệng” khá thân thiện và thoải mái. Có lúc ông đi làm với ống quần xắn lên, để lộ một vết sẹo lớn trên bắp chân trái. Ở đó, Cohen đã có một thủ thuật ghép da sau khi ông bị thương từ một cuộc leo núi năm ngoái với gia đình.
“Ông ta là mẫu người mà bạn muốn đó là một bác sĩ riêng của mình”, Tiến sĩ Joshua Sharfstein, một giáo sư tại Đại học Johns Hopkins nói.
Cohen, 46 tuổi, là một giáo sư tại Trường Y Đại học Harvard. Ông đồng thời cũng là một bác sĩ nội khoa tại Cambridge Health Alliance, một mạng lưới các bệnh viện và phòng khám ở Boston.
Bác sĩ Cohen, "người giám sát" cho sự an toàn của những viên thực phẩm chức năng
Lần đầu tiên bác sĩ Cohen tìm được động lực nghiên cứu thực phẩm chức năng, là khi chứng kiến một số bệnh nhân người nhập cư gốc Brazil có triệu chứng đáng báo động: đánh trống ngực, hoảng loạn hoặc thậm chí suy thận.Thăm khám cho biết họ có điểm chung là đều sử dụng một loại thực phẩm chức năng hỗ trợ giảm cân của Brazil, chứa hàm lượng chất kích thích lớn, chất chống trầm cảm và chất an thần Benzo.
Bởi không có nguồn tài trợ và kinh phí, bác sĩ Cohen thường chọn hướng nghiên cứu nhánh, tiếp cận phía sau các nghiên cứu cơ bản có độ ảnh hưởng cao. Ông góp tiếng nói của mình kêu gọi các quy định chặt chẽ hơn với thực phẩm chức năng, và trở thành một nhà phản biện có uy tín trong ngành công nghiệp và lĩnh vực khoa học này.
Bác sĩ Cohen cũng thường xuyên cho phép các nhà báo tiếp cận với công việc nghiên cứu của mình, một phần vì sự minh bạch hóa, phần khác là Cohen muốn công chúng cũng có thể hiểu được, bên trong những viên thực phẩm chức năng họ uống có gì.
Một số người đứng ở “phe đối lập” nhiều khi cũng vẫn kính nể Cohen. Steve Mister, chủ tịch Council for Responsible Nutrition, một nhóm thương mại của các nhà sản xuất thực phẩm chức năng ca ngợi ông đã thực hiện “chức năng giám sát quan trọng”, và nói rằng Cohen đã thực hiện “một số nghiên cứu rất tốt”.
Với công việc “giám sát” các loại thực phẩm chức năng, Cohen đã nhiều lần bị kiện bởi các công ty “không vui” với nghiên cứu của ông. Tuy nhiên, kết quả những vụ lùm xùm ấy cũng chẳng đi tới đâu cho đến trường hợp của Hi-Tech năm ngoái.
Thẩm phán ở Gruzia đã bác đơn kiện của Hi-Tech, nhưng sau đó họ chỉnh sửa và đệ lại đơn ở Massachusetts. Lần này, luật sư của Cohen đã không thể giúp ông thêm, thẩm phán liên bang đã quyết định Cohen phải có mặt ở một buổi xét xử.
Nhiều học giả trên khắp nước Mỹ cũng đã từng bị những lời đe dọa tương tự, Hank Greely, một giáo sư luật, đứng đầu Trung tâm Law and the Biosciences thuộc Đại học Stanford cho biết. “Một số mối đe dọa tố tụng, một số thông qua các yêu cầu pháp lý. Chúng tôi thực sự không có cách nào để đối phó với họ”, Greely nói. “Có rất nhiều cách để quấy rối các nhà khoa học”.
Cohen đã may mắn có được một phần sự bảo vệ của Đại học Harvard, nhưng đó không phải là tất cả. Có rất nhiều thủ tục phức tạp khiến vài tháng trước phiên tòa trở thành thời gian cực kỳ căng thẳng và mệt mỏi. Ông thậm chí đã phải dừng lại toàn bộ hoạt động nghiên cứu và bị yêu cầu chuyển giao mọi thư từ, tài liệu nghiên cứu, ghi chép cá nhân…
Có một khoản tiền phạt cỡ 5 triệu USD treo lơ lửng ở phiên tòa, và đó là điều mà ít nhà khoa học nào có thể tưởng tượng được. Họ có thể làm khoa học cho một giải Nobel 1 triệu USD, nhưng đôi khi lại vướng vào một vụ kiện với số tiền gấp 5 như vậy.
...của địch thủ với quá khứ ác quỷ
Hi-Tech tìm đủ cách để luồn lách giữa những cơ chế của pháp luật và khoa học
Một phiên tòa 7 ngày bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái, không phải về việc thực phẩm bổ sung của Hi-Tech có thực sự chứa BMPEA hay không.
Hi-Tech đã thừa nhận điều đó. Thực tế một số sản phẩm của họ cũng đã liệt kê BMPEA trong bảng thành phần. Có điều thêm vào đó, họ vẫn một mực khẳng định rằng BMPEA là một chiết xuất thực sự từ cây Acacia rigidula.
Phiên tòa bị lái sang hướng cáo buộc những gì mà bác sĩ Cohen đã nói về hợp chất này: Có phải nó thực sự chưa từng được thử nghiệm về hiệu quả và độ an toàn trên người? Có phải BMPEA thực sự nguy hiểm? Có phải nó có nguồn gốc tổng hợp và không hề được chiết xuất từ Acacia rigidula?
Đây không phải là dạng câu hỏi có thể gây tranh cãi trong một hội đồng khoa học, bởi câu trả lời là Đúng, đúng và đúng. Nhưng ra một phiên tòa, nó lại trở thành điều phức tạp.
Luật sư đại diện cho Hi-Tech tuyên bố một cách vô chứng cứ rằng, BMPEA đã được đánh giá trong các nghiên cứu độc quyền của công ty, thế nên chưa bao giờ được công bố. Bên cạnh đó, Hi-Tech cũng cố viện dẫn ra các nghiên cứu nhắm đến các phân tử hóa học tương tự BMPEA để làm bằng chứng, nhưng rõ ràng phân tử tương tự BMPEA thì không phải BMPEA.
Bảo vệ cho Cohen, luật sư Brian Sullivan tập trung vào những gì mà ông đã làm, nhằm cảnh báo một nguy cơ sức khỏe cộng đồng. Sullivan muốn hội đồng xét xử xem xét các bằng chứng, “trong bối cảnh bác sĩ Cohen có quyền được nói sự thật, để bảo vệ cho quyền lợi những bệnh nhân của ông, cũng như người tiêu dùng nói chung, những người đang đưa những viên thực phẩm chức năng vào cơ thể mà không biết trong đó thực sự chứa thứ gì”.
Trong phiên tòa, quá khứ không có gì đáng tự hào của Hi-Tech và CEO của họ được nhắc đến:
Từ khi còn là một thiếu niên, Jared Wheat đã bị bắt vì bán thuốc lắc. Tiếp tục tái phạm sau khi được phóng thích, Wheat thậm chí đã phải ngồi tù. Nhưng có vẻ đó cũng là lúc mà anh ta có thời gian để suy nghĩ về ý tưởng sẽ thành lập Hi-Tech.
Công ty đã thực sự ra đời vào năm 1998, nhưng Wheat thì không tránh nổi các rắc rối. Năm 2003, FDA buộc Hi-Tech tiêu hủy những loại thực phẩm chức năng họ sản xuất mà chứa hàm lượng lớn thuốc rối loạn cương dương chưa được chấp thuận. Ba năm sau đó, FDA tiếp tục thu giữ một khối lượng sản phẩm tương đương 3 triệu USD của Hi-Tech có chứa ephedra, một chất kích thích nguy hiểm đã bị cấm.
Cuối năm 2006, Wheat và một số cộng sự của anh ta trong Hi-Tech đã bị bắt giữ, khi chạy một thị trường thuốc trực tuyến bất hợp pháp ở Belize. Công tố viên liên bang sau đó tiếp tục cáo buộc Wheat đã tham gia một cuộc bàn bạc để giết một nhân viên của FDA và tống tiền một công tố viên liên bang.
Chân dung Jared Wheat, chủ sở hữu đồng thời là CEO của Hi-Tech
Wheat phủ nhận các cáo buộc này, nhưng nhận tội về thị trường thuốc trực tuyến bất hợp pháp. Anh ta bị kết án 4 năm tù.
Cho tới giờ khi được hỏi về bản án, Wheal chỉ vòng vo: “Sẽ mất kha khá thời gian để giải thích, và tôi thì không có nhiều thời gian. Chưa có ai nói những gì chính xác về câu chuyện của tôi”. Anh ta cũng nói với phóng viên rằng: “đi mà viết những thứ vu khống mà các anh quan tâm – Đó là tất cả những gì mà các anh đang làm”.
Trong phiên tòa, luật sư Sullivan lưu ý đến quá khứ bất hảo của Hi-Tech với luật pháp. Trong khi đó, luật sư của công ty này lại nói rằng: họ đã xây dựng được lại danh tiếng sau khi đứng lên từ những thất bại.
Dính vào một phiên tòa đã gây ảnh hưởng lớn đến bác sĩ Cohen, dĩ nhiên là theo nhiều hướng tiêu cực. Có lần, ông đã phải vội vã trở lại phòng cấp cứu khi hệ bạch huyết ở chân bị viêm nhiễm trở lại. Cohen cũng biết rằng sự nghiệp của ông, và cả vai trò “người giám sát” cho các sản phẩm thực phẩm chức năng cũng đang treo lơ lửng trên cán cân công lý.
Nếu Hi-tech thắng kiện, theo cái cách chẳng ra đâu vào đâu này, điều gì có thể ngăn cản một làn sóng các công ty khác học tập họ để làm phiền nhiễu đến giới khoa học?
Trong tuyên bố cuối cùng trước giờ đóng cửa nghị án, Sullivan đã trích dẫn một câu nói của Winston Churchill: “Bạn có một kẻ thù? Tốt. Điều đó có nghĩa là bạn đang đứng lên tranh đấu cho một điều gì đó trong cuộc sống của mình. Bác sĩ Cohen có kẻ thù, bởi vì ông cũng đã dám đứng lên trong cuộc đời của mình”.
Hai tiếng rưỡi là khoảng thời gian nghị án, hội đồng xét xử quay lại với một phán quyết có lợi cho Cohen. Công lý đã không phụ người đàn ông dám đứng lên vì lợi ích của người tiêu dùng, trong khi một bên chân ông vẫn đang bị vết thương hành hạ.
Cảm giác đau đớn đã choán lấy tâm trí bác sĩ Cohen, khiến ông nhận ra bất cứ điều gì khi phiên xử kết thúc. Luật pháp dường như còn phức tạp hơn cả khoa học, Cohen phải mất vài ngày mới có thể chấp nhận rằng mọi chuyện đã kết thúc.
Sau đó, ông đã nhẹ nhõm và trở lại công việc.
Những nghiên cứu vẫn tiếp tục
Nhiều người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua thực phẩm chức năng mà không biết các thành phần rõ ràng bên trong đó
Wheat không ngừng giải thích rằng anh ta đã thua vụ kiện một phần bởi bồi thẩm đoàn được chọn lựa từ nhiều thành viên ở Masachusetts: Họ có thể đã thiên vị cho một giáo sư đồng hương, làm việc ở trường đại học trong địa phương mình. Wheat khẳng định rằng anh ta sẽ thắng chắc, nếu vụ kiện diễn ra ở Georgia, nơi mà Hi-Tech đặt trụ sở.
Trong khi đó, nhiều người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua thực phẩm chức năng mà không biết đến các thành phần rõ ràng bên trong đó. Wheat tuyên bố rằng công ty anh ta đã thực hiện một số tinh chỉnh cấu trúc hóa học của BMPEA, nhưng chỉ để làm hài lòng các nhà phân phối. Anh ta so sánh hành động này giống như làm ra loại trà không caffeine.
Wheat cực lực nhấn mạnh rằng những thay đổi này không phải đáp ứng lại lời cảnh báo của FDA hay bác sĩ Cohen về sự không an toàn của các sản phẩm chứa BMPEA.
Lyndsay Meyer, người phát ngôn của FDA, cho biết rằng cơ quan này đang “tiếp tục làm việc với các công ty [trước đây đã bị cảnh báo về BMPEA] để đảm bảo rằng các sản phẩm của họ tuân thủ luật liên bang”.
Tuy nhiên, Wheat mô tả động thái này chỉ như trò con nít và không có hiệu lực gì. Thái độ ấy có vẻ đã cho thấy khả năng hạn chế của FDA trong việc giám sát thị trường thực phẩm chức năng với đầy rẫy các sản phẩm không an toàn.
Sau khi Wheat thua ở vụ kiện Cohen, anh ta nói rằng có “vài chục” người trong ngành gọi đến động viên. Họ nói và hy vọng rằng vụ kiện ít nhất cũng “làm nhụt chí” Cohen, trong việc công bố các nghiên cứu sau này của mình.
Thế nhưng, có vẻ các ông lớn trong ngành thực phẩm chức năng đã không khôn ngoan khi mong đợi vào điều đó.
Chỉ sau vài ngày kết thúc phiên tòa, Cohen đã gửi đăng một nghiên cứu mới, và còn dự tính thêm 3 nghiên cứu nữa sẽ được thực hiện vào năm tới. Ông tin rằng tiếng nói của các nhà khoa học sẽ được coi trọng hơn bao giờ hết, bởi dưới thời tổng thồng Trump, FDA sẽ phải mạnh dạn hơn trong việc thực thi pháp luật.
“Kinh nghiệm và những gì mà tôi đã trải qua thực sự chỉ khiến tôi thêm sắt đá. Không phải chỉ là việc các nghiên cứu vẫn sẽ được tiếp tục mà việc phải lên tiếng với công chúng cũng quan trọng không kém”, bác sĩ Cohen nói.
Những gì mà Jared Wheat đã làm, cùng với thái độ của anh ta thể hiện một sự thiếu tôn trọng với các nhà khoa học. Nó đã nhăm nhe bóp nghẹt nền tự do học thuật, ít nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu thực phẩm chức năng.
Qua việc chia sẻ câu chuyện của mình, bác sĩ Cohen hy vọng sẽ góp phần thúc đẩy những biện pháp bảo vệ nhà nghiên cứu, khỏi những phiền nhiễu từ ngành công nghiệp. “Có bao nhiêu người có thể tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này, nếu đó [một phiên tòa dai dẳng, tốn kém và khoản tiền phạt hàng triệu USD] là điều họ nhận được?”